Bảng mã di truyền |
Mối quan hệ Gen (một đoạn ADN) → ARN → Pôlipeptit theo đường thẳng cho thấy trình tự các aa được mã hóa bởi trình tự các nhóm nuclêôtit trên ADN
1. Mã di truyền là gì?
Mã di truyền là trình tự sắp xếp các nuclêôtit trong gen quy định trình tự sắp xếp các axit amin trong phân tử prôtêin.
2. Mã di truyền là mã bộ ba
- Nếu mỗi nuclêôtit mã hóa 1 axit amin thì 4 loại nuclêôtit chỉ mã hóa được 4 loại axit amin.
- Nếu cứ 2 nuclêôtit cùng loại hay khác loại mã hóa cho 1 axit amin thì 4 loại nuclêôtit sẽ mã hóa được $4^{2} = 16$ loại axit amin.
- Còn 3 nuclêôtit mã hóa cho 1 axit amin thì số tổ hợp sẽ là $4^{3} = 64$ bộ ba thỏa mãn cho sự mã hóa 20 loại axit amin,
Bằng thực nghiệm các nhà khoa học đã xác định chính xác 64 bộ ba và vai trò của chúng đối với di truyền (xem thêm bài tại sao có 64 mã bộ ba)
3. Các đặc điểm của mã di truyền
- Mã di truyền được đọc từ 1 điểm xác định liên tục theo từng cụm 3 nuclêôtit (không gối lên nhau).
- Mã di truyền mang tính phổ biến. Tất cả sinh vật đều dùng chung một bộ mã di truyền, trừ vài ngoại lệ). Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp ngoại lệ, như: codon AGA và AGG trong nhân thì mã hóa cho aa Arginin nhưng trong ti thể lại mã kết thúc.
- Mã di truyền có tính đặc hiệu, nghĩa là 1 bộ ba chỉ mã hóa cho 1 loại axit amin.
- Mã di truyền mang tính thoái hóa, nghĩa là một loại axit amin được mã hóa bởi 2 hay nhiều bộ ba khác nhau trừ 2 ngoại lệ: AUG mã hóa cho mêtionin ở sinh vật nhân thực và forminmêtionin ở sinh vật nhân sơ; UGG chỉ mã hóa 1 loại axit amin là triptôphan.
- Mã di truyền có 1 bộ ba khởi đầu (AUG) và 3 bộ ba kết thúc (UAA, UAG, UGA).