Môi trường và các nhân tố sinh thái
Sinh thái là môn khoa học nghiên cứu về mối tương tác giữa sinh vật với môi trường ở các mức độ tổ chức khác nhau như cá thể, quần thể, quần xã sinh vật.
1. Môi trường:
- Môi trường: là phần không gian bao quanh sinh vật, mà ở đó các yếu tố cấu tạo nên môi trường có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật
- Có 4 loại môi trường chủ yếu:
+ Môi trường trên cạn: mặt đất và lớp khí quyển gần mặt đất là nơi sống của phần lớn các sinh vật trên Trái Đất.
+ Môi trường đất: các lớp đất có độ sâu khác nhau là nới sống của các sinh vật đất.
+ Môi trường nước: nước mặn, nước ngọt và nước lợ là môi trường sống của sinh vật thủy sinh.
+ Môi trường sinh vật: thực vật, động vật và con người là môi trường sống của sinh vật ký sinh.
2. Nhân tố sinh thái
- Nhân tố sinh thái: là tất cả các nhân tố của môi trường có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới đời sống sinh vật.
- Các nhóm nhân tố sinh thái:
+ Nhân tố vô sinh: nhiệt độ, ánh sáng, tia phóng xạ,..
+ Nhân tố hữu sinh: quan hệ giữa các sinh vật với nhau.
+ Nhân tố con người: con người và hoạt động sống của con người.
- Nhân tố sinh thái tác động lên sinh vật, đồng thời cơ thể sinh vật cũng ảnh hưởng đến nhân tố sinh thái, làm thay đổi tính chất của nhân tố sinh thái.
3. Giới hạn sinh thái
- Giới hạn sinh thái: là khoảng giá trị xác định của một nhân tố sinh thái mà trong khoảng đó sinh vật có thể tồn tại và phát triển theo thời gian.
- Trong giới hạn sinh thái có:
+ Giới hạn dưới: dưới điểm đó, sinh vật sẽ chết.
+ Giới hạn trên: trên điểm đó, sinh vật sẽ chết.
+ Khoản thuận lợi: là khoảng của nhân tố sinh thái ở mức phù hợp, đảm bảo cho sinh vật thực hiện các chức năng sống tốt nhất hay là khoảng giá trị của nhân tố sinh thái mà sinh vật phát triển thuận lợi nhất.
+ Khoảng chống chịu: là khoảng của nhân tố sinh thái gây ức chế cho hoạt động sinh lí của sinh vật hay là khoảng giá trị của nhân tố sinh thái mà sức sống của sinh vật giảm dần đến giới hạn. Vượt qua điểm giới hạn sinh vật sẽ chết.
Ví dụ: giới hạn sinh thái ở cá rô phi nuôi ở Việt Nam từ 5,6°C đến 42°C:
+ Giới hạn dưới là 5,6°C.
+ Giới hạn trên là 42°C.
+ Khoảng thuận lợi là 20°C-35°C.
- Những loài có giới hạn sinh thái rộng đối với nhiều nhân tố sinh thái thì có vùng phân bố rộng, các loài có giới hạn hẹp với nhiều nhân tố sinh thái thì có vùng phân bố hẹp.
4. Ổ sinh thái
- Ổ sinh thái của một loài là không gian sinh thái mà ở đó tất cả các nhân tố sinh thái của môi trường của môi trường nằm trong giới hạn sinh thái quy định sự tồn tại và phát triển lâu dài của loài.
+ Những loài có ổ sinh thái không giao nhau → không cạnh tranh.
+ Những loài có ổ sinh thái giao nhau càng lớn → cạnh tranh ngày càng khốc liệt → loài chiếm ưu thế tiếp tục phát triển, loài kém ưu thế bị tiêu diệt hoặc di cư.
+ Các loài gần nhau về nguồn gốc, khi sống chung một sinh cảnh và cùng sử dụng một nguồn thức ăn, chúng có xu hướng phân li ổ sinh thái. Việc phân li ổ sinh thái tạo điều kiện cho các loài tận dụng những điều kiện sống của môi trường và hạn chế sự cạnh tranh giữa các loài.
- Nơi ở: là không gian cư trú của sinh vật và có thể chứa nhiều ổ sinh thái khác nhau.
5. Bài tập về tính tổng nhiệt hữu hiệu
Bài 1: Một loài ruồi ở đồng bằng sông Hồng có tổng nhiệt hữu hiệu của một chu kì sống là 170 độ.ngày, thời gian sống trung bình là 10 ngày.
a. Hãy tính ngưỡng nhiệt phát triển của loài ruồi đó, biết rằng nhiệt độ trung bình ngày trong năm ở vùng này là 25°C.
b. Thời gian sống trung bình của loài ruồi đó ở đồng bằng sông Cửu Long là bao nhiêu? Biết nhiệt độ trung bình ngày trong năm của đồng bằng sông Cửu Long là 27°C.
Bài 2: Ở cao nguyên nhiệt độ trung bình ngày là 20°C, một loài sâu hại quả cần 90 ngày để hoàn thành cả chu kì sống của mình, nhưng ở vùng đồng bằng nhiệt độ trung bình ngày cao hơn vùng trên 3°C thì thời gian để hoàn thành chu kì sống của sâu là 72 ngày.
a. Hãy tính ngưỡng nhiệt phát triển của loài sâu trên?
b. Nếu nhiệt độ môi trường giảm đến 18°C thì sâu cần bao nhiêu ngày để hoàn thành chu kì sống của mình?
Bài 3: Để hoàn thành một giai đoạn sống, trong điều kiện nhiệt độ môi trường là 24°C, sâu cần 60 ngày, song nếu nhiệt độ môi trường cao hơn 4°C nó chỉ cần 48 ngày. Ngưỡng nhiệt phát triển của loài sâu đó là bao nhiêu?
* Hướng dẫn: Ápdụng công thức Q = (T-C)D
Trong đó: Q: tổng nhiệt nhiệt hữu hiệu (hằng số); T: nhiệt độ trung bình ngày – đêm; C: ngưỡng nhiệt phát triển (hằng số); D: tổng số ngày - đêm.
thay oi cho em hoi so gen trong te bao luong boi 2n co bang so tinh trang cua co the khong ?tại sao ?
Trả lờiXóa