ADS

Bài tập quy luật di truyền khi gen chịu tác động của môi trường - Trích câu 115 đề thi THPT Quốc Gia 2019

Câu 115 - Mã đề 218 - Đề thi THPT Quốc Gia có câu bài tập về quy luật di truyền khi gen chịu tác động của môi trường. Cụ thể là hợp tử đồng hợp lặn không nảy mầm và cây có kiểu gen đồng hợp lặn không sống được trên môi trường ngập mặn. Cụ thể đề và bài hướng dẫn giải như sau:
Một loài thực vật, xét 2 cặp gen phân li độc lập, alen A quy định thân cao trội hoàn toàn so với alen a quy định thân thấp; alen B quy định khả năng chịu mặn trội hoàn toàn so với alen b quy định không có khả năng chịu mặn; cây có kiểu gen bb không có khả năng sống khi trồng ở đất ngập mặn và hạt có kiểu gen bb không nảy mầm trong đất ngập mặn. Để nghiên cứu và ứng dụng trồng rừng phòng hộ ven biển, người ta cho 2 cây (P) dị hợp 2 cặp gen giao phấn với nhau để tạo ra các cây F1 ở vường ươm không nhiễm mặn; sau đó chọn tất cả các cây thân cao F1 đem trồng ở vùng đất ngập mặn ven biển, các cây này giao phấn ngẫu nhiên tạo ra F2. Theo lí thuyết, trong tổng số cây F2 ở vùng đất này, số cây thân cao, chịu mặn chiếm tỉ lệ bao nhiêu?
A. 2/3.
B. 74/81.
C. 8/9.
D. 9/16.
Hướng dẫn phân tích và giải
* Theo đề, ta quy ước:
+ A – thân cao >> a- thân thấp ; B-chịu mặn >> b- không chịu mặn (kiểu gen bb: không sống cũng như nảy mầm trong đất mặn).
+ Gen A và B phân li độc lập với nhau.
* Xét phép lai P: AaBb × AaBb → thu được F1: 1/16AABB : 2/16AaBB : 2/16AABb : 4/16AaBb : 1/16AAbb : 2/16Aabb : 1/16aaBB : 2/16aaBb : 1/16aabb. Nhưng các cây bb sẽ không nẩy mầm trên đất mặn → Tỉ lệ các cây F1 sống được khi chuyển qua trồng ở đất ngập mặn 1/9AABB : 2/9AaBB : 2/9AABb : 4/9AaBb.
* Các cây thân cao F1 sống trên đất ngập mặn giảm phân sẽ cho ra giao tử như sau:
+ AB = 4/9
+ Ab = 2/9
+ aB = 2/9
+ ab = 1/9
* Cho F1 ngẫu phối sẽ thu được hợp tử ở F2 là 16/81AABB : 16/81 AABb : 16/81AaBB : 16/81AaBb : 4AAbb : 4/81aaBB : 4/81Aabb : 4/81aaBb : 1/81aabb (lưu ý hợp tử có kiểu gen bb sẽ không nảy mầm) → Tỉ lệ kiểu gen ở cây F2 = 16/72AABB : 16/72AABb : 16/72AaBB : 16/72AaBb : 4/72aaBB : 4/72aaBb.
* Số cây thân cao và chịu mặn ở F2 = 16/72AABB + 16/72AABb + 16/72AaBB + 16/72AaBb = 64/72 = 8/9.

* Lưu ý: Dạng bài tương tự như thế này đã được đề cập ở blog sinh học Quảng Văn Hải. Tuy nhiên khi giải các em mắc sai lầm ở bước đề cài vào là ở F1 ban đầu trồng ở đất không nhiễm mặn (vường ươm), sau đó lại chỉ chọn cây thân cao ở vườn ươm đem trồng ở đất nhiễm mặn. Như vậy một số bạn đã không tính lại thành phần kiểu gen cho việc di chuyển môi trường sống ở thế hệ F1 này.

Bạn bè