Để làm tốt bài tập sinh học dạng này các bạn cần xem lý thuyết về nguyên phân trước. Ngoài ra có thể xem thêm dạng bài tập về tính số NST, số crômatit và số tâm động qua các kì của nguyên phân. Sau đây mình sẽ hướng dẫn các bạn làm bài tập tiếp theo: dạng bài tập về tính số lượng tế bào con, số NST cần cung cấp, số thoi vô sắc xuất hiện (bị phá huỷ) qua nguyên phân. Trước tiên các bạn cần hiểu và nhớ một số công thức sau
- Số tế bào sinh ra qua nguyên phân:
+ Một tế bào qua k lần nguyên phân sẽ hình thành $2^k$ tế bào con.+ a tế bào đều nguyên phân k lần, số tế bào con được tạo thành là: $a.2^k$ tế bào.
- Số NST đơn môi trường cần cung cấp:
+ Một tế bào lưỡng bội (2n NST) qua k lần nguyên phân, số NST đơn môi trường nội bào cần cung cấp: $2^k.2n-2n = (2^k-1)2n$.
+ Vậy, a tế bào có 2n NST đều nguyên phân k lần, môi trường cần cung cấp số NST là: $a.(2^k-1)2n$.
- Số thoi vô sắc xuất hiện, bị phá hủy:
+ Thoi vô sắc xuất hiện ở kì trước, bị phân hủy hoàn toàn vào kì cuối. Vậy có bao nhiêu thoi vô sắc xuất hiện sẽ có bấy nhiêu thoi vô sắc bị phá hủy
+ Một tế bào nguyên phân k lần, số thoi vô sắc xuất hiện hoặc bị hủy là $2^k - 1$
+ Vậy, a tế bào đều nguyên phân k lần, số thoi vô sắc xuất hiện (bị phá hủy) qua quá trình là: $a.(2^k - 1)$ thoi.
Ví dụ 1:
Hợp tử của một loài trải qua nguyên phân liên tiếp 3 lần. Ở lần kế tiếp người ta đếm được 256 nhiễm sắc thể (NST) đơn đang phân li về hai cực của các tế bào.
a. Các tế bào đang ở kì nào của nguyên phân?
b. Bộ NST lưỡng bội của loài bằng bao nhiêu?
Hướng dẫn gải:
a. Các tế bào đang ở kỳ nào?
+ Các NST đơn đang phân li về hai cực, suy ra tế bào đang ở kì sau của nguyên phân.
b. Bộ nhiễm sắc thể lưỡng bội (2n) của loài?
+ Sau 3 lần nguyên phân tiếp tiếp, một tế bào ban đấu sẽ tạo $2^3 = 8$ tế bào tiếp tục nguyên phân.
+ Số NST chứa trong mỗi tế bào là: 256 : 8 = 32 (NST đơn)
+ Vậy, số NST đơn trong bộ lưỡng bội của loài là 32 : 2 = 16 (NST)