I. Tương tác gen
1. Tương tác gen là gì?
Tương tác gen là sự tác động qua lại của các gen không alen trong quá trình hình thành một kiểu hình.
Thực ra các gen trong tế bào không tác động trực tiếp với nhau mà chỉ có sản phẩm của chúng tác động qua lại với nhau để tạo nên kiểu hình.
2. Các dạng tương tác gen
a. Tương tác bổ sung
Là trường hợp hai hay nhiều gen không alen (thuộc những locus khác nhau) khi cùng hiện diện trong một kiểu gen sẽ tạo ra kiểu hình mới so với lúc mỗi gen có tác động riêng rẽ.
Ví dụ: Lai hai thứ đậu thơm thuần chủng đều có hoa màu trắng:
Pt/c: (đực) Hoa trắng x (cái) Hoa trắng $\to F_1$: toàn cây hoa đỏ.
Cho các cây $F_1$ tự thụ phấn $\to F_2$: 9 đỏ : 7 trắng.
* Giải thích
- Tỉ lệ 9 : 7 cho thấy ở đời $F_2$ có 16 kiểu tổ hợp các giao tử (16 = 4 x 4) như vậy có thể $F_1$ phải dị hợp về 2 cặp gen nằm trên 2 cặp NST tương đồng, trong đó hai gen trội không alen tác dụng bổ sung để hình thành màu hoa đỏ.
- Nếu trong kiểu gen chỉ có mặt một loại gen trội A hoặc B, hay toàn gen lặn sẽ cho màu hoa trắng.
* Sơ đồ lai
Pt/c: Hoa trắng (AAbb) x Hoa trắng (aaBB) $\to F_1$: 100% AaBb (Hoa đỏ).
$F_1$ (AaBb) tự thụ phấn $\to F_2$: KG: 9A-B- : 3A-bb : 3aaB- : 1aabb $\to$ KH: 9 đỏ : 7 trắng.
b. Tương tác cộng gộp
Là trường hợp cá alen trội thuộc hai hay nhiều locus tương tác với nhau theo kiểu mỗi gen trội góp phần như nhau vào việc làm tăng sự biểu hiện của kiểu hình.
+ Ví dụ: Lai hai thứ lúa mì thuần chủng hạt đỏ đậm và hạt màu trắng $\to F_1$: toàn hạt màu đỏ.
Cho các cây $F_1$ tự thụ phấn $\to F_2$: có sự phân li theo tỉ lệ 15 hạt màu đỏ : 1 hạt màu trắng (Các hạt màu đỏ có độ đậm nhạt khác nhau từ đỏ sẫm đến đỏ nhạt).
+ Ví dụ 2: Màu da của người do ít nhất 3 gen không alen quy định (A, B và C), theo kiểu tương tác cộng gộp, cùng quy định sự tổng hợp sắc tố melanin trong tế bào da, nằm trên các cặp NST tương đồng khác nhau:
- KH da trắng có KG aabbcc (các alen a, b và c không có khả năng tạo sắc tố melanin).
- Trong khi KG có một alen trội (A hoặc B hoặc C) thì tế bào da có khả năng tổng hợp sắc tố melanin sẽ làm cho da sẫm màu hơn.
- Nếu cơ thể có cả 6 gen trội (AABBCC) sẽ tổng hợp lượng sắc tố cao gấp 6 lần so với người có 1 alen trội, do đó sẽ có da màu sẫm nhất.
II. Tác động đa hiệu của gen
1. Gen đa hiệu
Là trường hợp một gen có thể tác động đến sự biểu hiện của nhiều tính trạng khác nhau.
Gen đa hiệu là cơ sở để giải thích hiện tượng biến dị tương quan: Khi một gen đa hiệu bị đột biến thì nó đồng thời kéo theo sự biến dị ở một số tính trạng mà nó chi phối.
2. Ví dụ
- Trong các thí nghiệm trên đậu Hà Lan, Menđen đã nhận thấy:
- Giống đậu hoa tím thì có hạt màu nâu, trong nách lá có một chấm đen.
- Giống đậu hoa trắng thì hạt có màu nhạt, trong nách lá không có chấm đen.
- Khi nghiên cứu biến dị ở ruồi giấm, Moocgan cũng đã nhân thấy:
- Ruồi có gen quy định cánh ngắn thì đốt thân cũng ngắn; lông cứng ra, sức đẻ kém đi, tuổi thọ ngắn lại.
- Ở người có một đột biến gen trội gây hội chứng Macphan (hội chứng người nhện): tay chân dài hơn đồng thời thủy tinh thể ở mắt bị hủy hoại.