Trong quá trình giải dạng bài tập sinh học về các quy luật di truyền, một số trường hợp đề bài không cho trước tính trạng nào trội, tính trạng nào lặn cho nên ta không thể tiến hành quy ước gen và giải ngay được mà việc đầu tiên cần làm là phải tìm ra tính trạng nào là tính trạng trội và tính trạng nào là tính trạng lặn, Sau đó mới tiến hành quy ước gen để xác định kiểu gen của các các thể liên quan trong phép lai.
Cho đến lúc này thì hầu hết các em học sinh 12 thì đã biết, cũng có thể được học bài bản cho phần này và có thể nhiều em làm bài tập quy luật di truyền nhiều nên rút ra kinh nghiệm cho riêng mình. Vì vậy bài mà được trình bày phương pháp xác định tính trạng trội và tính trạng lặn phù hợp với các em mới tiếp cận bài tập quy luật di truyền. Tuy nhiên những em đã biết cũng có thể tham khảo để nhớ lại một cách hệ thống hơn phần này.
Các bạn xem qua 3 ví dụ về cách xác định tính trạng trội, tính trạng lặn đại diện cho 3 phương pháp điển hình, tùy theo bài tập cụ thể mà các bạn áp dụng cho phù hợp.
Ví dụ 1: Giao phấn giữa cây có lá dài, màu xanh nhạt với cây có lá ngắn, màu xanh đậm, F1 thu được đều có cây lá dài màu xanh đậm. Xác định kiểu gen của bố mẹ và F1? (Biết mỗi tính trạng do một gen qui định và hai cặp gen nằm trên 2 cặp NST thường khác nhau).
Nhận xét:
Đề bài cho thấy hai cây P (bố, mẹ) đã mang hai cặp tính trạng tương phản (lá dài, màu xanh nhạt với lá ngắn, màu xanh đậm), F1 đồng loạt có lá dài, màu xanh đậm. Suy ra:
- Lá dài là trội so với lá ngắn.
- Lá có màu xanh dậm là trội so với lá màu xanh nhạt.
- A - quy định lá dài là trội hoàn toàn so với a - qui định lá ngắn.
- B - lá màu xanh đậm là trội hoàn toàn so với b - qui định lá màu xanh nhạt.
Xác định kiểu gen của P và F1:
Bố mẹ tương phản về 2 cặp tính trạng mà F1 đồng tính, suy ra bố mẹ thuần chủng, tức là P: AABB x aabb => F1: 100%AaBb
Ví dụ 2: Cho cây F1 có kiểu hình quả đỏ, lá dài giao phấn lần lượt với 2 cây khác nhau và thu được 2 kết quả khác nhau như sau:
- F1 giao phấn với cây thứ nhất thu được thế hệ lai có 37,5% quả đỏ lá dài : 37,5% quả đỏ, lá ngắn : 12,5% quả vàng, lá dài : 12,5% quả vàng, lá ngắn.
- F1 giao phấn với cây thứ hai thu được thế hệ lai có 37,5% quả đỏ, lá dài : 37,5% quả vàng, lá dài : 12,5% quả vàng, lá ngắn : 12,5% quả đỏ, lá ngắn. Xác định tính trạng trội, tính trạng lặn cho mỗi cặp tính trạng? (Biết mỗi tính trạng do một gen quy định và hai cặp gen nằm trên hai cặp NST thường khác nhau).
- Xét cặp tính trạng về màu quả của hai phép lai:
+ Phép lai thứ nhất: (Quả đỏ : quả vàng) = (3 : 1), suy ra tính trạng quả đỏ là trội hoàn toàn so với quả vàng
=> Ta có thể quy ước: A - qui định quả đỏ là trội hoàn toàn so với a - qui định quả vàng.
=> F1 x Cây thứ nhất, mà con lai có tỉ lệ (3:1), nên kiểu gen của F1 và cây thứ nhất là Aa.
+ Phép lai thứ hai: (Quả đỏ : quả vàng) = (1 : 1), mà đã biết kiểu gen của cây F1 là Aa ở phép lai với cây thứ nhất.
=> F1(Aa) x cây thứ hai, mà kết quả con lai (1 :1) nên cây thứ hai có kiểu gen về tính trạng này phải là aa.
- Xét cặp tính trạng về kích thước của lá:
+ Phép lai thứ nhất: (Lá dài : lá ngắn) = (1 : 1), tỉ lệ này chưa thể xác định đước tính trạng nào là trội, tính trạng nào là lặn, cho nên cung chưa thể xác định được kiểu gen của hai cây trong phép lai. Nên ta tiếp tục xét phép lai thứ hai xem sao.
+ Phép lai thứ hai: (Lá dài : lá ngắn) = (3 : 1), suy ra tính trạng lá dài là trội hoàn toàn so với tính trạng lá ngắn.
=> Qui ước: B - qui định lá dài là trội hoàn toàn so với b - qui định lá ngắn.
=> F1 x cây thứ hai, mà con lai có tỉ lệ (3 : 1), nên kiểu gen của F1 và cây thứ hai là Bb.
Khi đã xác định được tính trạng lá dài là trội so với lá ngắn, và kiểu gen của F1 là Bb, suy ra kiểu gen của cây thứ nhât là bb.
Ví dụ 3: Giao phấn giữa hai cá thể với nhau, thu được ở thế hệ lai có tổng số 1024 cây, trong đó có 64 cây thân thấp, quả chua. Bết mỗi gen do một tính trạng qui định và các tính trạng còn lại có thể xuất hiện là thân cao, quả ngọt. Xác định kiểu gen của cặp bố mẹ (P) đã đem lai và số lượng cây ở mỗi loại kiểu hình còn lại ở F1?
Nhận xét:
Kiểu hình cây thân thấp, quả chua ở F1 chiếm tỉ lệ 64/1024 = 1/16. Suy ra F1 xuất hiện 16 tổ hợp giao tử => Bố và mẹ đều cho 4 loại giao tử (4 giao tử của bố x 4 giao tử của mẹ = 16 tổ hợp giao tử), tức là bố và mẹ đều dị hợp hai cặp gen (AaBb).
Ta có: P: AaBb x AaBb
=> F1: 9/16A-B- : 3/16A-bb : 3/16aaB- : 1/16aabb.
Tỉ lệ 1/16 câu thân thấp, quả chua là aabb (mang hai tính trạng lặn).
Qui ước: A - Thân cao là trội hoàn toàn so với a - thân thấp; B - Quả ngọt là trội hoàn toàn so với b - quả chua.
(Số lượng cây ở mỗi loại kiểu hình các em tự tính)