ADS

Cái tôi siêu đẳng

Ai cũng muốn cuộc sống của mình tươi vui, đầy ắp tiếng cười, sở hữu một nghề nghiệp tốt. Nhưng niềm vui và sự thành công không tự nhiên đến, mà bạn phải tự tìm kiếm và sở hữu bằng chính năng lực của mình. Bạn có biết, mỗi người đều có “cái tôi siêu đẳng” để làm tốt nhất việc gì đó, điều quan trọng là bạn phải biết khám phá bản thân.

Ở trường không có môn học nào dạy bạn cách thức khám phá bản thân, Bạn cũng đừng quá chú trọng vào những lời nhận xét khen chê của người khác. Hơn ai hết, bạn phải là người hiểu chính mình, biết rõ nhất những thứ mình sẽ rất vui nếu được làm và những gì sẽ phải “vô cùng đau khổ” khi phải chung sống hàng ngày. Những nhà lãnh đạo thành công đều là những người biết rõ mình là ai, mình muốn gì, khả năng bản thân tới đâu. Và hãy tin rằng bạn cũng có thể làm được điều đó.

Tạm biệt mặc cảm, tự ti

Ở bài viết Bạn thuộc loại hình thông minh nào? (chèn link ẩn bài trước), bạn đã biết rằng, con người không chỉ có một mà đến 8 loại hình thông minh khác nhau. Đó là thông minh ngôn ngữ, thông minh logic toán học, thông minh về không gian, thông minh về âm nhạc, thông minh về tự nhiên, khả năng vận động cơ thể, năng lực tương tác, năng lực tự nhận thức bản thân. Vậy thì có hề gì nếu bạn không thể giải nhanh chóng bài toán thầy giảng, không thể học giỏi đều các môn và thua đứt nhỏ bạn ngồi kế bên về điểm số. Mỗi người sẽ có tố chất, năng lực, mặt mạnh yếu khác nhau. “Tự kỷ ám thị” - cảm xúc buồn bã, chán nản sẽ đánh lừa bạn, khiến bạn nghĩ rằng mình đúng là một kẻ thất bại. Bạn không xua đi đám mây mờ thì sẽ không thể nào được nhìn thấy ánh trăng sáng trong đêm rằm. Vậy thì thay vì mặc cảm tự ti mình thua sút bạn bè, hãy bình tâm thực hiện “cuộc điều tra trên diện rộng” những mặt mạnh của bản thân mình.

Đừng mãi khắc phục nhược điểm

Có thể bạn không biết mình làm gì giỏi nhất nhưng bạn sẽ biết rất rõ những thứ mình yếu kém hơn bạn bè. Cố khắc phục điểm yếu hay tìm mọi cách che giấu nó đi vì “sĩ diện bản thân” không phải là điều nên làm trước tiên. Ngược lại, “cố cho bằng bạn bè” là bạn đang lãng phí thời gian để làm những điều có ích hơn thế.

Người lớn cũng hay bảo rằng bạn phải khắc phục điểm yếu. Điều này cũng tốt nhưng không phải là ưu tiên số một trong hành trình khám phá bản thân. Bởi nếu khắc phục được điểm yếu, bạn cũng chẳng trở nên nổi bật, cũng như không giúp bạn biết rõ mình thích và làm điều gì tốt nhất. Bạn không biết bơi, không chơi được nhạc, không giỏi làm thơ? Hãy mặc kệ những điều đó, đừng cố làm gì nếu nó không đem lại cho bạn chút cảm hứng, vui thích nào. Thay vào đó, hãy dành thời gian để phát triển ưu điểm của mình. Bạn thích vẽ, hãy cứ vẽ. Bạn thích chơi thể thao, đừng chôn chân ở nhà. Không quan trọng bạn làm việc gì, sở thích ra sao miễn đó là những điều lành mạnh và bạn cảm thấy vui sướng khi thực hiện. Nếu chưa xác định được mình thực sự thích và có khả năng làm gì nhất. Hãy cố gắng tìm kiếm, thử qua mọi thứ nếu bạn có dịp và ghi nhớ cảm xúc của mình. Cảm xúc là thứ rất quan trọng. Nó sẽ dẫn dắt lý trí và đưa ra những quyết định trọng đại trong cuộc đời chúng ta.

Tỉnh táo trước bẫy “công danh”

Có nói quá không khi gọi công danh là bẫy? Bạn làm tốt việc gì đó nhưng không hề yêu thích nó lại không có đủ dũng khí khước từ. Đó chính là khi bạn bị mắc bẫy công danh. Chỉ vì bạn có thể chơi được đàn mà mẹ liên tục bắt bạn biểu diễn trước các phụ huynh khác trong khi việc chơi đi chơi lại một vài bài hát bất hủ khiến bạn chán ngấy. Bạn học giỏi các môn và khi chọn trường, mọi người đều hướng bạn đến với những ngành nghề kỹ sư, bác sĩ, nghề dễ xin việc sau này. Trong khi đó, bạn chỉ muốn làm đầu bếp và thích thú sáng tạo những công thức nấu ăn mới. Đứng trước áp lực “công danh” này, liệu bạn có đủ mạnh mẽ để từ chối và đi con đường riêng của mình?

Thực tế tại các giảng đường đại học, không ít sinh viên “chọn nhầm ngành”, đi học trong tư thế uể oải, mệt mỏi và chỉ háo hức khi tiếng chuông tan lớp vang lên. Tại các công ty cũng vậy, có nhiều nhân viên làm việc trong tâm thế chờ đến giờ ăn trưa hay cố cho hết giờ. Mỗi cuối tuần họ gào lên TGIF (Thank God it’s Friday – Ơn trời, thứ sáu rồi) và hăm hở ra về. Họ làm việc trong sự trì trệ, chán nản và chỉ hoàn thành công việc ở mức độ đạt yêu cầu. Đa số là những người e ngại sự đổi thay bởi nỗi sợ hãi “chưa chắc công việc khác sẽ cho họ quyền lợi như hiện tại, chưa chắc họ sẽ yêu thích nó” luôn cản trở họ. Đó là những người sống cầm chừng, không hiểu rõ sức mạnh của bản thân mình. Bạn sẽ không muốn tương lai của mình như thế phải không nào!

Vượt qua cái bóng quá khứ

Tuần trước, tháng trước bạn vừa được khen ngợi hay vừa gặp phải điểm kém. Bạn cứ nghĩ mãi về điều đó, “say men chiến thắng” hoặc chìm trong cảm giác thất bại đều là những cảm xúc tiêu cực. Khi thành công, dĩ nhiên bạn có quyền tự hào về điều đó nhưng mọi thứ sẽ không luôn là như thế. Quá khứ là những gì đã xảy ra, bạn còn cả một tương lai và danh sách dài những điều phải thực hiện đang chờ đợi phía trước. Không phải vì lúc bé, bạn đoạt giải nhất cuộc thi cấp tỉnh mà lớn lên bạn có thể trở thành một người tài giỏi nếu không tiếp tục học tập, phát triển bản thân. Không phải vì bạn “đội sổ” một hai năm học mà tương lai sau này sẽ trở nên bi đát. Tương lai là điều luôn hấp dẫn vì không ai biết trước chuyện gì sẽ xảy ra và vì thế, chúng ta hoàn toàn có quyền tạo nên nó theo cách mình muốn.

Quyền tự do lựa chọn

Thêm một điều quan trọng nữa, trong hành trình khám phá bản thân, chính bạn là người luôn có quyền lựa chọn. Không ai có thể định đoạt sở thích, nghề nghiệp, tương lai của bạn. Chấp nhận mọi thứ, sống nhàn nhạt hàng ngày, học hành, thi cử theo lộ trình của số đông hay làm tất cả bằng sự vui vẻ, đam mê là do bạn quyết định và tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Chúng ta chỉ có một quãng thời gian hữu hạn, một cuộc đời để sống và nếu bạn dùng ngân quỹ này vào những cảm xúc chán nản, tiêu cực, bạn thật sự đang lãng phí thời gian. Nhưng để hoàn toàn sở hữu quyền tự do lựa chọn này, bạn cần có dũng khí và trung thực với bản thân mình.
Nguồn: internet

Bạn bè