Từ lâu con người đã biết hiện tượng thở (hô hấp) là biểu hiện bề ngoài và đặc trưng của sự sống con người và động vật, tuy bản chất hóa học (cơ chế) và ý nghĩa quá trình hô hấp mới được sáng tỏ cách đây vài thế kỉ. Chức năng hô hấp của thực vật phát hiện chậm hơn nhiều do chúng không có bộ máy hô hấp chuyên hóa rõ ràng như ở động vật và người.
Ngay ở nữa đầu thế kỉ XIX vẫn còn có ý kiến nghi ngờ sự tồn tại của quá trình hô hấp của thực vật và giải thích hiện tượng thải khí cacbonic ban đêm là do lượng khí chưa dùng hết ban ngày trong quá trình quang hợp. Nhưng sau đó các công trình của Sachs (nhà khoa học người Đức, sinh năm 1887), và nhiều người khác đã khẳng định hô hấp là một chức năng sinh lí luôn luôn đi kèm theo sự sống của thực vật cũng như mọi sinh vật hiếu khí khác. Ở các vi sinh vật yếm khí cũng tiến hành quá trình tương tự như hô hấp được gọi là quá trình lên men.
Hiện tại người ta phân biệt hô hấp ngoài và hô hấp tế bào. Hô hấp ngoài thể hiện sự trao đổi khí giữa cơ thể với môi trường: hấp thụ thường xuyên khí ôxi và thải cacbonic trong cơ thể ra môi trường ngoài. Hô hấp ở mức độ tế bào và mô là quá trình sử dụng ôxi phân tử để oxi hóa các hợp chất hữu cơ đồng thời giải phóng năng lượng cần thiết cho các hoạt động sống của tế bào.
Hô hấp ở thực vật là gì?
Hô hấp ở thực vật là quá trình oxi hóa sinh học của của tế bào sống, trong đó các phân tử hữu cơ bị oxi hóa đến $CO_2$ và $H_2O$, đồng thời giải phóng năng lượng và một phần năng lượng đó được tích luỹ trong ATP.
Phương trình tổng quát hô hấp ở thực vật:
$C_6H{12}O_6$ + 6$O_2$ → 6$CO_2$ + 6$H_2O$ + năng lượng (nhiệt + ATP)Vai trò của hô hấp đối với cơ thể thực vật
Hô hấp được xem là quá trình sinh lí trung tâm của cây xanh, có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng
- Trước hết, thông qua quá trình hô hấp, năng lượng hóa học tự do dưới dạng ATP được giải phóng từ các hợp chất hữu cơ. Năng lượng ATP này được sử dụng cho các quá trình sống của cở thể: quá trình trao đổi chất, quá trình hấp thụ, quá trình vận chuyển chủ động các chất, quá trình vận động sinh trưởng, quá trình quang sinh học,...Cụ thể là một phân tử glucozo khi hô hấp hiếu khí sẽ giải phóng 36 ATP, tức là cơ thể thực vật đã thu được gần 50% năng lượng trong một phân tử glucozo (674 kcal/M).
- Trong quá trình hô hấp có giải phóng ra dạng năng lượng nhiệt, năng lượng nhiệt sẽ giúp cơ thể thực vật duy trì nhiệt độ thuận lợi cho các hoạt động sống của cơ thể thực vật
- Trong quá trình hô hấp nhiều sản phẩm trung gian được tạo thành và các sản phẩm trung gian này lại là nguyên liệu của các quá trình tổng hợp nhiều loại chất khác cho cơ thể thực vật.
Như vậy, hô hấp được xem là quá trình tổng hợp cả về mặt năng lượng lẫn mặt vật chất. Chúng ta sẽ tìm hiểu cụ thể các con đường cũng như cơ chế hô hấp ở thực vật ở các bài tiếp theo.
Tóm lại: Nội dung hô hấp ở thực vật trong chương trình sinh học 11, thực chất là nghiên cứu về quá trình hô hấp tế bào thực vật. hay nói cách khác là nghiên cứu về hô hấp nội bào đối với thực vật.